Cơ bản nhất về ký quỹ

Để biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có độ an toàn cao, các bên có thể chọn ngân hàng giữ tài sản là đối tượng của biện pháp bảo đảm và là người "xử lý" đối tượng đó để thanh toán nghĩa vụ cho bên có quyền khi đến thời hạn mà nghĩa vụ không được thực hiện.

Khoản 1 Điều 330 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

"Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá được bằng tiền vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ".

Như vậy, việc ký quỹ là một hình thức để bảo đảm quyền lợi của bên có quyền, và đề phòng những trường hợp rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, hình thức bảo đảm bằng ký quý không thường xuất hiện ở các giao dịch dân sự thông thường, mà chủ yếu xuất hiện trong các dự án đầu tư kinh doanh.

Đặc điểm của việc ký quỹ là khoản vật chất bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ là tiền, kim khí, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá được bằng tiền. Khoản vật chất này phải có sẵn, và được phong tỏa tại một tổ chức tín dụng.

2. Hình thức, chủ thể liên quan trong biện pháp ký quỹ

Hình thức và thủ tục ký quỹ phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

Chủ thể trong quan hệ ký quỹ bao gồm hai bên: Bên ký quỹ là bên đã gửi một lượng tài sản vào tài khoản phong tỏa tại một ngân hàng nhất định. Bên nhận ký quỹ là bên được thanh toán, bồi thường thiệt hại từ tài khoản đó nếu nếu đến thời hạn mà bên kí quỹ không thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trong ký quỹ, ngân hàng được coi là chủ thể giữ tài sản ký quỹ và có nghĩa vụ phải thanh toán cho bên bị vi phạm nghĩa vụ bằng tài sản trong tài khoản ký quỹ.

3. Nội dung của ký quỹ

Với biện pháp ký quỹ, tuỳ thuộc vào từng loại hợp đồng mà một hoặc cả hai bên phải mở một tài khoản tại ngân hàng nhưng không được sử dụng tài khoản đó khi hợp đồng chưa chấm dứt. Nếu đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì ngân hàng nơi ký quỹ dùng tài khoản đó để thanh toán cho bên có quyền. Nếu bên có quyền bị thiệt hại do bên kia không thực hiện nghĩa vụ gây ra thì ngân hàng dùng tài khoản đó để bồi thường thiệt hại. Ngân hàng có quyền thu một khoản chi phí dịch vụ ngân hàng từ tài khoản đó trước khi thực hiện việc thanh toán và bồi thường.

4. Quyền và nghĩa vụ các bên trong ký quỹ

4.1. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng nơi ký quỹ

Xin chào Luật sư, tôi có một vấn đề thắc mắc cần được giải đáp như sau: Tôi có thực hiện việc ký quỹ tai ngân hàng A, số tiền ký quỹ là 4 tỷ đồng trong thời gian 36 tháng. Tuy nhiên, ngân hàng này lại yêu cầu tôi trả thêm phí dịch vụ cho ngân hàng. Tôi nghĩ mình đã gửi vào ngân hàng một số tài sản khá lớn, mà ngân hàng còn thu phí dịch vụ của tôi thì rất bất hợp lý. Luật sư cho tôi hỏi ngân hàng thu tiền này có đúng không?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến bộ phận hỗ trợ khách hàng của công ty Luật Minh Khuê. Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, tổ chức tín dụng nơi ký quỹ có quyền, nghĩa vụ sau đây:

- Hưởng phí dịch vụ;

- Yêu cầu bên có quyền thực hiện đúng thỏa thuận về ký quỹ để được thanh toán nghĩa vụ từ tiền ký quỹ;

- Thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền trong phạm vi tiền ký quỹ;

- Hoàn trả tiền ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền và khi chấm dứt ký quỹ;

- Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Như vậy, khi ngân hàng nhận được khoản tiền ký quỹ của bạn, ngân hàng phát sinh trách nhiệm bảo quản tài sản, thanh toán nghĩa vụ cho các bên có quyền,... Vì vậy, ngân hàng có quyền yêu cầu bạn thanh toán phí dịch vụ ký quỹ theo quy định của ngân hàng.

4.2. Quyền, nghĩa vụ của bên ký quỹ

Kính chào luật sư. Luật sư cho tôi hỏi một vấn đề như sau: Tôi và anh B cùng thực hiện một dự án đầu tư. Tôi thực hiện việc ký quỹ tại ngân hàng H số tiền 6 tỷ trong thời gian thực hiện dự án là 30 tháng. Tôi thấy số tiền ký quỹ khá lớn, cùng với đó là thời gian ký quỹ dài. Tôi muốn thỏa thuận với ngân hàng về mức lãi suất ký gửi có được không? Rất mong nhận được phản hồi.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến bộ phận hỗ trợ khách hàng của công ty Luật Minh Khuê chùng tôi. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:

Pháp luật chung về ký quỹ của Việt Nam hiện hành không cấm việc thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ về mức lãi suất của khối tài sản ký quỹ. Việc này phụ thuộc vào chính sách của tùy từng ngân hàng.

Trên thưc tế, bên ký quỹ có quyền, nghĩa vụ sau đây:

- Thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ về điều kiện thanh toán theo đúng cam kết với bên có quyền;

- Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ theo quy định; được trả lãi trong trường hợp có thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ;

- Rút bớt, bổ sung tiền ký quỹ hoặc đưa tiền ký quỹ tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp bên có quyền đồng ý;

- Nộp đủ tiền ký quỹ tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ;

- Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Như vậy, bạn có thể thỏa thuận với ngân hàng về mức lãi suất áp dụng cho số tiền 6 tỷ mà bạn đã ký quỹ tại ngân hàng.

4.3. Quyền, nghĩa vụ của bên có quyền trong ký quỹ

Xin chào Quý công ty. Tôi có một vấn đề cần được giải đáp cụ thể như sau: Tháng 3/2020 tôi và đối tác của tôi là anh B có thỏa thuận anh B sẽ ký quỹ tại ngân hàng D để đảm bảo thực hiện hợp đồng với tôi trong thời gian 12 tháng, số tiền ký quỹ là 4 tỷ. Đến tháng 3/2021, hợp đồng đã hết hạn, tuy nhiên anh B vẫn chưa thực hiện được nghĩa vụ của mình. Tôi yêu cầu phía ngân hàng D thực hiện việc sử dụng số tiền ký quỹ để thay anh B thực hiện nghĩa vụ với tôi. Tuy nhiên, ngân hàng dùng rất nhiều lý do để từ chối. Vậy ngân hàng làm thế có đúng không? Rất mong nhận được phản hồi.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến bộ phận tư vấn của công ty chúng tôi. Vấn đề của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Bạn là bên có quyền trong ký quỹ. Bên có quyền trong ký quỹ có quyền, nghĩa vụ sau đây:

- Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán nghĩa vụ đầy đủ, đúng hạn trong phạm vi tiền ký quỹ;

- Thực hiện đúng thủ tục theo yêu cầu của tổ chức tín dụng nơi ký quỹ trong việc thực hiện quyền của mình;

- Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Như vây, bạn có quyền yêu cầu ngân hàng sử dụng số tiền ký quỹ thanh toán nghĩa vụ cho bên ký quỹ đúng hạn và trong phạm vi tiền ký quỹ. Việc ngân hàng từ chối thanh toán là đúng hay sai tạm thời chúng tôi chưa thể khẳng định vì thông tin bạn đưa ra cũng chưa rõ ràng. Rất mong nhận được thông tin vụ việc chi tiết hơn từ bạn để chúng tôi có thể đưa ra nhận định chắc chắn hơn.

5. Thông báo xử lý tài sản bảo đảm

Việc thông báo xử lý tài sản bảo đảm cần phải được lập thành văn bản. Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm có nội dung chủ yếu sau đây:

- Lý do xử lý tài sản bảo đảm;

- Tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý;

- Thời gian, địa điểm xử lý tài sản bảo đảm.

Phương thức thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì bên nhận bảo đảm gửi trực tiếp văn bản thông báo cho bên bảo đảm hoặc thông qua ủy quyền, dịch vụ bưu chính, phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu hoặc phương thức khác đến địa chỉ được bên bảo đảm cung cấp.

Trường hợp bên bảo đảm thay đổi địa chỉ mà không thông báo cho bên nhận bảo đảm biết thì địa chỉ của bên bảo đảm được xác định theo địa chỉ đã được bên bảo đảm cung cấp trước đó, theo hợp đồng bảo đảm hoặc theo thông tin được lưu trữ tại cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm.

Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ hoặc được giữ bởi người khác thì văn bản thông báo phải được gửi đồng thời cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có) và người giữ tài sản bảo đảm.

Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm thì ngoài phương thức thông báo quy định tại khoản 2 Điều này còn có thể thực hiện bằng phương thức đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Thời hạn thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm phải thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì phải thực hiện trong thời hạn hợp lý, nhưng trước ít nhất 10 ngày đối với động sản hoặc trước ít nhất 15 ngày đối với bất động sản tính đến thời điểm xử lý tài sản bảo đảm, trừ trường hợp tài sản bảo đảm bị xử lý ngay theo quy định tại khoản 1 Điều 300 của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp tài sản bảo đảm là chứng khoán niêm yết, hàng hóa trên sàn giao dịch hàng hóa hoặc động sản khác có thể xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trân trọng./.


Comments

Popular posts from this blog

Tầm quan trọng của Ichimoku, Ichimoku là gì?

5 website dùng để nghiên cứu về forex 2022